THƯ VIỆN TỈNH BẮC NINH - LIBRARY OF BACNINH PROVINCE

http://thuvientinh.bacninh.gov.vn


Không ngừng đổi mới, sáng tạo và nâng tầm sự nghiệp văn hóa Bắc Ninh

Không chỉ ghi dấu ấn bằng sức bật kinh tế mà quê hương Bắc Ninh còn khẳng định sự năng động, sẵn sàng vươn ra biển lớn hội nhập cùng thế giới và cất cánh bay lên trên nền tảng sức mạnh văn hóa...
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định năng lực trong công tác tham mưu và chủ trì  tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện văn hóa tầm quốc gia, quốc tế.

Giai đoạn vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng sự ủng hộ của các ban, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã tham mưu ban hành đồng bộ và tham gia chủ trì tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa tầm quốc gia, quốc tế, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Ninh văn hiến, giàu tiềm năng và thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Công tác bảo tồn, bảo tàng, kiểm kê, tu bổ, tôn tạo chống xuống cấp và phát huy giá trị di sản đạt nhiều kết quả, trong đó trọng điểm là các di tích Quốc gia đặc biệt, di tích Quốc gia tiêu biểu, Di sản Dân ca Quan họ, các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian truyền thống... Đến nay, toàn tỉnh có 1589 di tích, trong đó 618 di tích được xếp hạng (4 di tích Quốc gia đặc biệt, 201 di tích Quốc gia, 413 di tích cấp tỉnh); 10 hiện vật, nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia; 3 Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; 8 Di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và gần 550 lễ hội truyền thống.

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai toàn diện, đi vào chiều sâu chất lượng gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Năm 2019, toàn tỉnh có 92,2% Gia đình văn hóa; 90,7% làng, khu phố văn hóa. Việc thực hiện nếp sống văn minh ngày càng đi vào nền nếp. Tỷ lệ đám tang thực hiện hỏa táng đạt gần 52%.
Hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư xây dựng, nâng cấp, góp phần thúc đẩy phong trào văn hoá văn nghệ, TDTT phát triển rộng khắp. Một số công trình trọng điểm được đầu tư xây dựng hiện đại như: Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh với tổng diện tích 19.400m2; Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ; hoàn thành đưa vào sử dụng 8 Nhà chứa Quan họ...
Hoạt động giao lưu biểu diễn, các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức phong phú, đa dạng với trên 800 đội, CLB văn nghệ thu hút khoảng 20.000 diễn viên, hội viên không chuyên tham gia sinh hoạt. Văn hoá đọc được quan tâm với sự đổi mới từng bước của hệ thống thư viện công cộng cùng sự xuất hiện của một số thư viện tư nhân. 
Một sự đổi mới đáng chú ý là hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng mở rộng. Tuy chưa được định hình rõ nét song ý thức về ngành công nghiệp sáng tạo ở Bắc Ninh bắt đầu được quan tâm khai mở bằng việc tạo ra những sản phẩm văn hóa mang bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc như đầu tư phục dựng không gian văn hóa Quan họ thu hút khách du lịch; khuyến khích sáng tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bắc Ninh; tổ chức chương trình giao lưu, trao đổi văn hóa với nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời từng bước bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách về mở rộng hợp tác, ngoại giao văn hóa; phối hợp sản xuất các bộ phim phóng sự truyền hình, phim hoạt hình giáo dục lịch sử - danh nhân Kinh Bắc...
Mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế song thành tựu đạt được thời gian qua cho thấy sự nỗ lực và ý thức trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị di sản, tạo nền tảng, động lực cho Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh bước tiếp hành trình sắp tới. 
Văn hóa là lĩnh vực rất phong phú nhưng cũng phức tạp, nhạy cảm. Vì vậy trong điều kiện và bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để văn hóa phát triển đúng hướng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết thống nhất, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu:
Thứ nhất: Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng tầm sự nghiệp văn hóa Bắc Ninh; từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách đối với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, hướng đến xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham mưu bổ sung các cơ chế chính sách, đồng thời thực hiện có hiệu quả các đề án, quy hoạch, chương trình phát triển văn hóa đã được phê duyệt. Nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh; hoàn thành đệ trình Hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp.
Thứ hai: Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa nông thôn. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Quy ước thôn làng, khu phố, gia đình văn hoá và nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hệ thống thiết chế văn hóa các cấp.
Thứ ba: Tiếp tục quan tâm tu bổ tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; tập trung triển khai các đề tài nghiên cứu về giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống Bắc Ninh - Kinh Bắc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, các liên hoan, hội thi, hội diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng xã hội tích cực tham gia các hoạt động văn hoá.
Thứ tư: Cùng với mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực văn hóa, cần thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển ngành công nghiệp văn hóa đúng định hướng, phù hợp thời đại mới. 
Thứ năm: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát động sâu rộng phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh; đổi mới toàn diện nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức đoàn thể; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; quan tâm chăm lo chất lượng đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Mở rộng hợp tác giao lưu văn hóa là dấu ấn nổi bật trong giai đoạn vừa qua.

 

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Ảnh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây