LỊCH PHỤC VỤ TỪ 16/10/2023
THỜI GIAN MỞ CỬA PHỤC VỤ:

▪ Buổi sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30
▪ Buổi chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ

Thư viện mở cửa phục vụ các ngày từ Thứ hai đến Thứ bảy
FANPAGE
THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập17
  • Hôm nay4,751
  • Tháng hiện tại125,828
  • Tổng lượt truy cập2,584,798

Bắc Ninh: Hướng tới một cộng đồng có thói quen đọc sách

Thứ tư - 09/12/2020 01:33 572 0
Dù ở bất cứ thời đại nào, đọc sách không chỉ đơn thuần là giải trí mà còn để trau dồi tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách và thấu hiểu ý nghĩa cuộc sống. Hướng tới một cộng đồng có thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng là câu chuyện dài cần sự bền bỉ, nỗ lực chung tay vun đắp của toàn xã hội.
Thư viện tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực phục vụ nhu cầu bạn đọc mọi lứa tuổi
Thư viện tỉnh có nhiều đổi mới, thiết thực phục vụ nhu cầu bạn đọc mọi lứa tuổi

Trung bình một người dân Bắc Ninh đọc 0,8 cuốn sách/năm
Đó là số liệu nghiên cứu khảo sát của Thư viện tỉnh năm 2019. Với một vùng đất văn hiến, có truyền thống hiếu học khoa bảng và đang phát triển năng động như Bắc Ninh mà mỗi người dân đọc chưa đến 1 cuốn sách/năm là con số đặt ra cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm...
Bà Nguyễn Thị Luyên, Giám đốc Thư viện tỉnh tâm sự đầy ưu tư: Năm 2019, Thư viện tỉnh có cuộc điều tra khảo sát, đánh giá thực trạng thư viện cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Qua đó thấy rằng hệ thống thư viện cấp huyện đến thư viện xã, phường, thôn làng, khu phố, gia đình, dòng họ của Bắc Ninh có tỉ lệ chưa cao so với các địa phương khác trong cả nước. Đặc biệt, tỉ lệ người dân Bắc Ninh đọc sách trung bình chỉ đạt 0,8 cuốn/người/năm đã đặt ra cho những người làm công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc chúng tôi rất nhiều trăn trở. Vấn đề đặt ra là phải triển khai đồng bộ các giải pháp để khơi dậy cảm hứng, niềm yêu thích, ham say đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong học sinh, sinh viên, tuổi trẻ.

Sau 2 năm Bắc Ninh thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đến nay các chỉ số phát triển văn hóa đọc bước đầu có tín hiệu tích cực, khả quan song vẫn còn chưa như mong muốn. Báo cáo của cơ quan chuyên môn, có khoảng 20% người dân khu vực nông thôn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng; 43,6% số học sinh, sinh viên được tiếp cận sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng; 100% học sinh, sinh viên được tiếp cận thông tin tri thức tại thư viện của các cơ sở giáo dục; 25% người dân có kĩ năng tiếp nhận, sử dụng thông tin, tri thức qua việc đọc và học tập suốt đời; gần 70% thư viện công cộng có vốn tài liệu tổng hợp đủ khả năng phục vụ cho mọi đối tượng, cả thiếu nhi và người khuyết tật.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng về tầm quan trọng của phát triển văn hóa đọc cũng được các cấp, ngành, cơ quan báo chí trong tỉnh tích cực thực hiện với phong phú nội dung, đa dạng hình thức. Tính riêng Thư viện tỉnh trong 2 năm qua đã tổ chức 8 buổi nói chuyện chuyên đề, phối hợp giới thiệu 96 cuốn sách trên sóng truyền hình; tích cực tổ chức các hoạt động trưng bày sách mới, sách theo chuyên đề, tổ chức ngày hội sách, viết bài giới thiệu sách trên các trang thông tin điện tử, các trang fanpage...
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các ngành Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức phong phú hoạt động triển lãm, trưng bày sách báo, tọa đàm, giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm tiêu biểu; khuyến khích phong trào sưu tầm sách cũ, tặng sách cho các thư viện, phòng đọc cơ sở...
Tạo sự thay đổi theo chiều dọc trong ngành giáo dục, kết hợp với tác động chiều ngang từ các hoạt động khuyến đọc, đưa sách về khu vực nông thôn để thu hẹp khoảng cách và tạo sự biến chuyển trong nhận thức xã hội về văn hóa đọc... là nỗ lực mà các cấp, ngành của tỉnh đã và đang thực hiện nhằm đạt mục tiêu đặt ra tại Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” cũng như Đề án “Đẩy mạnh học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.
Bền bỉ, nỗ lực hành động  nhiều giải pháp
Văn hóa đọc chính là cốt lõi của đổi mới giáo dục, đặt nền móng cho sự phát triển xã hội. Mặc dù vậy câu chuyện lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. Rào cản lớn nhất chính là “độ vênh” trong nhận thức về việc đọc sách. Gần đây có nhiều phong trào, dự án thiết thực của các tổ chức, cá nhân tâm huyết nhằm lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường, khuyến khích trẻ em đọc sách. Song thiết nghĩ, muốn trẻ em đọc sách thì trước hết phải mở rộng hoạt động khuyến đọc đối với người lớn là các bậc phụ huynh, giáo viên, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... để làm gương cho con em.

Cần kiên trì mở rộng các chương trình, dự án khuyến đọc trong cộng đồng
Cần kiên trì mở rộng các chương trình, dự án khuyến đọc trong cộng đồng

Một vấn đề căn bản nữa mà lâu nay hễ nhắc đến là biết rồi, khổ lắm, nói mãi đó là sự nghèo nàn, thiếu cơ sở vật chất, nguồn sách lạc hậu, hoạt động đơn điệu... của hệ thống thư viện, tủ sách cấp huyện, cấp xã, thôn làng cơ sở nên việc thu hút bạn đọc rất hạn chế. Ngay tại Thư viện tỉnh, dù cơ sở vật chất, trang thiết bị bước đầu đã được đầu tư song vẫn chưa đồng bộ, tài liệu bổ sung hàng năm khá thấp, tài liệu địa chỉ của tỉnh mỏng, chưa xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nên khả năng đáp ứng nhu cầu khai thác, học tập, nghiên cứu của người dân rất mức độ. Hơn nữa vì thiếu nhân lực mà Thư viện Bắc Ninh cũng chưa tổ chức phục vụ bạn đọc các ngày Chủ nhật...
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Đương Bắc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Những vấn đề về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng là câu chuyện chung của cả xã hội Việt Nam và cũng là một nhiệm vụ không hề đơn giản của Bắc Ninh. Để hướng tới mục tiêu cuối cùng là hình thành một cộng đồng có thói quen đọc sách và xây dựng văn hóa đọc đòi hỏi cả quá trình kiên trì, bền bỉ thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Trước hết là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo địa phương, các cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về vai trò của văn hóa đọc. Ngành Văn hóa sẽ tích cực, chủ động tham mưu, phối hợp với các ngành chức năng để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống thư viện công cộng các cấp, đặc biệt là thư viện cấp huyện, xã và thôn, làng, khu phố; chỉ đạo Thư viện tỉnh tiếp tục đổi mới sáng tạo, tổ chức phong phú hoạt động khuyến đọc; định kỳ tổ chức ngày hội đọc sách, đề cao vai trò gia đình trong hình thành thói quen và văn hóa đọc...
Như giới chuyên môn nhận định: Cuộc tháo dỡ thành trì ít đọc để xây nên nền móng cho văn hóa đọc cần kiên nhẫn hành động, bởi nó không dễ như phá những núi đá hữu hình. Vũ khí cho công cuộc khai trí là sự tận tâm hành động của hàng nghìn, hàng vạn con người với những chiến lược rõ ràng và tầm nhìn dài hơi, bền bỉ...

Tác giả bài viết: Nguồn: Báo Bắc Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây