|
Dân ca quan họ Bắc Ninh thu hút nhiều thế hệ học giả trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu với khoảng 1.000 công trình. Đến nay, Bắc Ninh có 44 làng quan họ gốc, gần 400 làng quan họ thực hành, có ít nhất 300 bài quan họ đã được ký âm... Tuy nhiên, thực tiễn và lý luận của công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh theo Công ước 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa của Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề.
Thứ nhất, UNESCO coi nghệ nhân là “báu vật nhân văn sống” và trong quá trình bảo tồn, phát huy, nghệ nhân cần được quan tâm hàng đầu. Nghệ nhân quan họ Bắc Ninh là những người có hiểu biết sâu sắc, toàn diện về quan họ, thuộc và ca đúng lề lối hàng trăm giọng quan họ khác nhau (cả câu ra và câu đối). Việc hiểu biết tường tận về quan họ Bắc Ninh từ trang phục, làm các món ẩm thực, cách chơi quan họ... là điều kiện để các nghệ nhân tham gia bảo tồn đúng hướng. Thuộc nhiều bài bản và thông hiểu lề lối của từng hình thức ca hát là điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy quan họ tốt cho các thế hệ kế cận. Tham gia sáng tác bài bản là điều kiện giúp nghệ nhân thường xuyên bảo tồn và phát triển quan họ Bắc Ninh. Tranh thủ đến mức cao nhất để các nghệ nhân quan họ có thể cống hiến, truyền dạy cho thế hệ kế cận là vấn đề đặt ra trong thực tiễn công việc bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Thứ hai, cần đặt công cuộc bảo tồn, phát huy dân ca quan họ Bắc Ninh, DSVH PVT đại diện của nhân loại trong bối cảnh cả nước đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó là nước ta cũng như các quốc gia trên hành tinh đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng data bank (ngân hàng dữ liệu) dân ca quan họ Bắc Ninh cần được quan tâm, chú trọng thực hiện. Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho tái bản một số sách nghiên cứu về dân ca quan họ Bắc Ninh. Như thế, bản điện tử các công trình này đã có, việc số hóa không còn khó khăn. Nhưng sách nghiên cứu về dân ca quan họ Bắc Ninh không phải chỉ có vậy.
Tại Mỹ, có 2 luận án tiến sĩ về dân ca quan họ Bắc Ninh, giá như chúng ta có bản tiếng Anh, rồi dịch ra tiếng Việt để lưu trữ, giới thiệu thì rất tốt. Hơn nữa, ghi âm, ghi hình các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân do tỉnh phong tặng đang trình diễn rất cần thiết để xây dựng data bank về dân ca quan họ Bắc Ninh. Data bank này cần có đủ 4 loại sản phẩm mới có giá trị, gồm: Bản chữ, hình ảnh tĩnh, ghi hình, ghi âm. Trên cơ sở dữ liệu ấy, cần ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin để có nhiều sản phẩm công nghệ dân ca quan họ Bắc Ninh phục vụ người xem, người nghe.
Hát canh quan họ tại thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: THANH TÙNG |
Thứ ba, công tác quảng bá, đưa nghệ nhân quan họ đi trình diễn ở nước ngoài rất cần thiết, mà chúng ta chưa làm được bao nhiêu. Công việc đưa đoàn nghệ nhân quan họ đi trình diễn ở Cộng hòa Pháp mới thực hiện được một lần. Phải tổ chức dịch các công trình nghiên cứu về dân ca quan họ Bắc Ninh của các nhà khoa học trong nước ra tiếng nước ngoài, rõ ràng đây là công việc có ý nghĩa để bạn đọc nước ngoài hiểu dân ca quan họ Bắc Ninh. Ở trong nước, ngay việc đưa đoàn quan họ, nghệ nhân quan họ đến các đơn vị Quân đội trình diễn chưa làm tốt như thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, như nghệ sĩ Thúy Cải, Khánh Hạ theo bộ đội hát quan họ ở chiến trường.
Thứ tư, khai thác tiềm năng kinh tế của dân ca quan họ Bắc Ninh là công việc không thể không đặt ra. Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đã làm rất tốt công việc bảo tồn di sản văn hóa sau khi được UNESCO ghi danh, để nâng cao đời sống cho nghệ nhân. Chúng ta cần học tập kinh nghiệm và cách triển khai của họ. Mặt khác, kết nối chặt chẽ các làng quan họ cổ với những tour du lịch, đưa khách du lịch trong nước, nước ngoài về các làng quan họ cổ, để họ thưởng thức quan họ, hiểu biết trang phục, ẩm thực quan họ. Không nên nghĩ rằng, đến với dân ca quan họ Bắc Ninh chỉ cần đến đồi Lim, dự hội Lim vào tháng Giêng hằng năm mà cần đưa du khách đến các làng quan họ cổ khác trong cả năm.
Chính phủ, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang thực hiện Chiến lược công nghiệp văn hóa. Công cuộc bảo vệ dân ca quan họ Bắc Ninh với tư cách DSVH PVT đại diện của nhân loại là một khía cạnh của công nghiệp văn hóa. Vấn đề đặt ra là xác định cho đúng thành tố nào của dân ca quan họ Bắc Ninh có thể là sản phẩm văn hóa để công nghiệp văn hóa.
15 năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh đã làm nhiều công việc thành công để bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh, nhưng bối cảnh mới đang đặt ra thời cơ và thách thức cho công việc này. Hiện tại, dân ca quan họ Bắc Ninh không chỉ là một di sản của quê hương Bắc Ninh, Bắc Giang, của Việt Nam, mà là một DSVH PVT của nhân loại. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay là giữ gìn, phát huy và bồi đắp các giá trị mới cho loại hình DSVH độc đáo này.
Tác giả bài viết: GS, TS NGUYỄN CHÍ BỀN, Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Nguồn Quân đội nhân dân, số 22797)