LỊCH PHỤC VỤ TỪ 16/10/2023
THỜI GIAN MỞ CỬA PHỤC VỤ:

▪ Buổi sáng: 7 giờ 30 đến 11 giờ 30
▪ Buổi chiều: 13 giờ 30 đến 17 giờ

Thư viện mở cửa phục vụ các ngày từ Thứ hai đến Thứ bảy
FANPAGE
THỐNG KÊ LƯỢT TRUY CẬP
  • Đang truy cập14
  • Hôm nay4,793
  • Tháng hiện tại148,783
  • Tổng lượt truy cập2,433,419

Tương lai mới của thư viện công cộng

Chủ nhật - 26/09/2021 20:42 517 0
COVID-19 là một thảm kịch của loài người trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để các thư viện công cộng và người làm thư viện thể hiện khả năng của mình. Quy mô của sự gián đoạn lớn đến mức khó có thể nghĩ gì đó xa hơn ưu tiên trước mắt là mở lại các dịch vụ. Nhưng, chúng ta cần phải thực hiện nhiệm vụ này. Cần phải có được một tương lai mới, tốt đẹp hơn cho các thư viện công cộng.
Tương lai mới của thư viện công cộng

Ngày 20/3/2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đóng cửa các quán rượu, quán bar, nhà hàng và các không gian công cộng như một biện pháp bảo vệ chống lại đại dịch đang gia tăng, song các thư viện công cộng lại không nằm trong danh sách này.

Đây là một quyết định được cấp cao nhất của Chính phủ đưa ra nhằm giữ cho các thư viện được mở cửa bởi trong thời đại kỹ thuật số nhiều người hoàn toàn phụ thuộc vào truy cập Internet, Thư viện chính là nơi duy nhất họ có thể giao lưu trực tuyến, tìm kiếm thông tin và duy trì kết nối. Đó là sự công nhận đối với điều mà chúng ta, những người làm trong lĩnh vực thư viện đều đã biết từ nhiều năm nay. Những gì chúng ta cung cấp không chỉ là một dịch vụ giao dịch. Đó còn là cơ sở hạ tầng xã hội, là nơi kết nối, là nền tảng trực tiếp và trực tuyến để cộng đồng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho chính họ.

Những câu hỏi chúng ta cần phải trả lời

Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của COVID-19 trong lịch sử thế giới. Việc toàn bộ người dân bị phong tỏa ở tại nhà có ý nghĩa thế nào? Hay một thế hệ vừa đến tuổi trưởng thành sẽ phản ứng ra sao khi bị gián đoạn công việc ngay khi vừa mới bắt đầu? Nhận thức mới của chúng ta về trạng thái gần sẽ thay đổi cách chúng ta sử dụng không gian như thế nào? Làm thế nào để làm việc trực tuyến giúp đẩy nhanh quá trình bình thường hóa công nghệ trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta?

Câu trả lời là không đơn giản. Nhưng đó là những câu hỏi khó mà chúng ta không được né tránh. Trước COVID-19, các thư viện vốn đã ở trong tình trạng khó khăn. Bỏ lại sau thời kỳ hoàng kim đã định hình nên các thư viện, với niềm tin cơ bản vào sự giải phóng và giáo dục, một câu hỏi vẫn luôn được ngầm đặt ra cho các tổ chức của chúng ta “Bạn sẽ làm gì khi giờ đây tôi đã có kiến thức của thế giới trong tầm tay?”

Trở lại với câu hỏi này, những người làm trong lĩnh vực của chúng ta đều biết rõ là nguồn lợi từ Internet không được phân bổ đồng đều. Với hàng triệu công dân Anh bị tước quyền bởi công nghệ, xã hội hoặc kinh tế, thì thư viện vẫn luôn là nơi nương tựa và trao quyền cho họ. Nhưng xã hội từ lâu đã xoay quanh những câu chuyện đơn giản về thư viện công cộng rằng: “Chúng tôi biết chúng tôi là ai nhưng không biết chúng tôi sẽ làm gì”. Nếu chúng ta mở cửa trở lại mà không đính chính câu chuyện này, không quả quyết và khát khao khẳng định một vai trò mới trong một xã hội hậu COVID thì cuối cùng chúng ta đã tự đặt mình vào con đường bị lãng quên.

COVID-19 chính là cơ hội chỉ có một lần trong đời để ngành của chúng ta hiệu chỉnh cảm giác nghi ngờ kéo dài này. Chúng ta phải có tiếng nói rõ ràng và tự tin vào vai trò mà chúng ta dự định chiếm giữ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người dân trong một xã hội kết nối và chuyển động không ngừng. Đó là cơ hội chúng ta không thể bỏ lỡ.

Vậy vai trò mới đầy tự tin này của thư viện công cộng sẽ bao gồm những yếu tố nào? Đây cần phải là một chủ đề tranh luận cấp quốc gia và là sáng tạo tập thể trong nghề nghiệp của chúng ta. Tham vọng đó không thể chỉ do một nhóm nhỏ duy trì - nó phải hiện hữu trong tất cả những người làm thư viện, trong mọi lĩnh vực dịch vụ. Tuy nhiên, đã có một vài yếu tố bắt đầu được quan tâm trong những năm gần đây.

Sự gắn kết thương hiệu NHS

NHS (National Health Service - Dịch vụ Y tế Quốc gia) đã nổi lên từ giai đoạn đầu của đại dịch như một người hùng dân tộc. Lòng dũng cảm và sự cam kết của nhân viên NHS trong việc bảo vệ người dân trước rủi ro đã truyền cảm hứng cho hàng triệu trẻ em và người lớn trên khắp nước Anh vẽ hình ảnh cầu vồng bằng phấn trên vỉa hè và trên tường để tỏ lòng biết ơn. Một kinh nghiệm xã hội khác của chúng tôi trước lệnh phong tỏa được chia sẻ là người dân đứng ở cửa ra vào và cửa sổ ngôi nhà của mình và vỗ tay hoan nghênh NHS và các nhân viên chủ chốt khác.

Thực tế NHS bao gồm một hệ sinh thái phức tạp của các nhà cung cấp khác nhau, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, khu vực và địa phương. NHS được phân mảng theo tổ chức, được xây dựng, từng lớp qua các chính sách kế tiếp nhau. Và chính điều đó tạo nên thương hiệu “NHS của chúng tôi”.

Thương hiệu của thư viện công cộng không có sự gắn kết này trong trái tim và tâm trí của người sử dụng ngày nay. Một trong những lý do khiến lĩnh vực của chúng ta được định nghĩa xung quanh ý nghĩ gắn liền với quá khứ về những gì chúng ta đã từng làm là bởi vì chỉ trước đây mọi người mới có nhận thức rõ ràng và riêng biệt về việc thư viện công cộng được thành lập để làm điều gì.

Nếu chúng ta muốn thành công trong việc khẳng định sự phù hợp mới trong một xã hội hậu COVID, chúng ta phải học cách chấp nhận tất cả sự phức tạp và phân mảnh của bối cảnh thư viện công cộng ngày nay và ẩn nó đằng sau một biểu hiện thương hiệu duy nhất, đơn giản và tự tin - “Đây là chúng tôi, đây là những gì chúng tôi sẽ hướng tới, đây là những gì bạn có thể nhận được từ thư viện tại địa bàn sinh sống của bạn”. Chúng ta cần phải học cách nói chuyện bằng bản sắc riêng biệt và tính nhất quán của NHS.

Độ bao phủ và tham vọng của BBC

Sức mạnh lớn nhất của thư viện công cộng - khả năng thích ứng vô hạn của các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thực sự của người sử dụng - cũng được cho là thách thức lớn nhất của chúng ta. Làm thế nào để các bạn định ra được một mục đích riêng trong khi mục đích đó phải liên tục thích ứng với nhu cầu của người dân địa phương? Trong thời đại có thể đo lường được, làm cách nào để các thư viện có thể chứng minh được tác động của nó khi sự khác biệt mà chúng ta tạo ra thể hiện theo vô số cách khác nhau trong suốt cuộc đời của một con người?

Một nhà kinh tế sẽ hiểu điều này là các thư viện đang cung cấp “giá trị giáo dục thứ yếu”. Chúng ta tạo ra giá trị nhằm khuếch đại và mở rộng việc học tập, tình trạng hạnh phúc, kỹ năng và sự tự tin theo cách không chỉ dành riêng cho chúng ta. Kết quả là, chúng ta đã bị chìm trong một thế giới đòi hỏi tỷ lệ lợi nhuận ròng trực tiếp trên tổng chi phí đầu tư.

Bản chất của thư viện công cộng là dành cho tất cả mọi người. Trên thực tế, đó là một phần mục đích cốt lõi của chúng ta. Theo nghĩa này, thư viện công cộng mang nhiều nét tương đồng với các dịch vụ công quốc gia khác - BBC.

Là một trong những đài truyền hình dịch vụ công hàng đầu thế giới, BBC cũng phải thực hiện những thủ thuật tương tự. BBC phải tạo ra và khuếch đại giá trị giáo dục cho mọi người, phải có sức hấp dẫn toàn cầu; nhưng sứ mệnh của nó là thông báo và giáo dục, có nghĩa là nó không thể chỉ đơn giản là đặt cược vào “số lượng người đã trả tiền để theo dõi chương trình”, BBC phải cung cấp cơ sở hạ tầng, nội dung và dịch vụ tốt và tử tế cho mọi người.

Nếu chúng ta muốn xây dựng một bản sắc mới, nhất quán và đầy tham vọng cho các thư viện công cộng trong xã hội hậu COVID, chúng ta cần một sứ mệnh chung cho các thư viện có quy mô và tham vọng tương tự như "thông tin, giáo dục và giải trí" của BBC. Các thư viện công cộng phải tìm lại bản sắc và ý thức về mục đích với tư cách là một tổ chức tuyệt vời của Anh, tập trung vào phúc lợi, giáo dục và sự tiến bộ của những người mà chúng ta ở đây để phục vụ.

Tập trung vào tính nhân văn và sự tử tế

Một trải nghiệm chung như COVID-19, với tất cả những bi kịch mang tính cá nhân và nhân loại xảy ra, nhắc nhở chúng ta rằng điều quan trọng nhất, chúng ta phải có tình người. Sau một thời gian chia rẽ, hận thù và phân hóa, lời nhắc nhở về tình người được chia sẻ trở thành một chất khử trùng mạnh mẽ.

Cùng với lời nhắc nhở này, một ý thức mới về việc kết nối các giá trị cơ bản của con người - tính cộng đồng, sự tử tế, sự quan tâm, kết nối cá nhân, dành thời gian để tận hưởng việc được ở cùng với những người khác.

Khi cộng đồng chúng ta thoát ra khỏi tình trạng bị phong tỏa, việc thắp sáng lại niềm tin kết nối với những cuốn sách bị cách ly cần được làm ngay. Thư viện về cơ bản là nơi ở của con người - chừng nào con người còn tụ họp lại ở một nơi trong suốt lịch sử nhân loại, họ sẽ thiết lập nên một cái gì đó giống như thư viện. Đó chính là lý do thư viện được yêu thích và sử dụng nhiều ở những nơi như trong cuốn tiểu thuyết The Jungle, trại tị nạn và di cư ở Calais và các thư viện di dộng phục vụ những người di tản trên Địa Trung Hải.

Nếu các thư viện trong tương lai thành công, chúng ta phải cẩn thận để bảo tồn tính nhân văn của chúng. Các dịch vụ của chúng ta cần mang tính cá nhân, quan tâm, ân cần và tôn trọng. Thư viện của chúng ta trong tương lai phải là nơi mà mọi người trong xã hội biết rằng họ sẽ được chào đón và tôn trọng một cách bình đẳng, cho dù họ tới thư viện trực tiếp hay sử dụng thư viện qua màn hình.

Kết hợp vật lý và kỹ thuật số

Có một lập luận cho rằng một trong những biến đổi sâu sắc nhất mà sự gián đoạn của COVID-19 mang lại là khiến chúng ta cuối cùng đã vượt qua được quan niệm cũ bằng cách nào đó đã tách biệt “kỹ thuật số” và “vật lý”, để khiến ý tưởng tất cả chỉ để phục vụ cuộc sống - cho dù là trải nghiệm trực tiếp hay qua màn hình trở thành chủ đạo.

Đồng thời, sự thừa nhận rằng cuộc sống hiện nay bao gồm cả tình trạng vật lý và kỹ thuật số là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về sự bất bình đẳng sâu sắc sẽ nảy sinh khi con người bị loại trừ kỹ thuật số. Không chỉ là bị từ chối một số “tiện ích bổ sung” khi truy cập, loại trừ kỹ thuật số là một trong những nguyên nhân nguy hiểm nhất gây nên việc người dân không được trao quyền trong thế giới hiện đại của chúng ta.

Một tác động khác của sự gián đoạn này, có lẽ không kém quan trọng nhưng ít thấy hơn, là cuối cùng nó đã khiến hàng triệu người phải "thử sức". Thử hội nghị truyền hình hoặc các phương tiện truyền thông xã hội. Thử chỉnh sửa video hoặc xây dựng trang web. Trong lịch sử xã hội của chúng ta, rất ít khi có được những khoảnh khắc khi mà toàn thể nhân loại được truyền cảm hứng để sở hữu những kỹ năng mới trên quy mô này.

Xã hội hậu COVID mà các thư viện công cộng sẽ phục vụ khó có thể chấp nhận các dịch vụ kỹ thuật số không tốt hoặc vẫn coi kỹ thuật số như một khái niệm nào đó bóng láng, mới mẻ và khác biệt. Họ sẽ mong đợi các không gian kỹ thuật số xuất sắc của chúng ta nhiều như những gì họ được trải nghiệm tại các tòa nhà vật lý của chúng ta trước đây. Họ sẽ yêu cầu băng thông tốt, nội dung thông tin chất lượng, cơ hội kết nối, các dịch vụ cho phép họ sáng tạo, khám phá và chia sẻ. Sự mô tả mới, táo bạo của chúng ta về thư viện công cộng trong tương lai sẽ không còn là một cơ sở hạ tầng của một thời hoàng kim của thư viện chỉ với một số công nghệ đi kèm. Thay vào đó, ý tưởng về “thư viện” phải đồng nghĩa với trải nghiệm kỹ thuật số phong phú, vui tươi và đầy sức mạnh.

Niềm tin trọng tâm vào thông tin

“Tri thức là sức mạnh” không chỉ là một chân lý hiển nhiên đơn thuần. Nó cho thấy một sự thật cơ bản trong thế giới kết nối của chúng ta rằng khả năng tìm kiếm, đánh giá, sử dụng và chia sẻ thông tin có mối liên hệ chặt chẽ với việc trở thành một công dân trong một xã hội tự do. Đối với hàng triệu người trên toàn thế giới, đó là sự khác biệt giữa sự giải phóng và nô lệ kinh tế.

Thư viện là một nơi chứa thông tin. Không phải theo nghĩa thụ động của bảng thông báo và những tờ rơi, mà theo nghĩa tích cực và chủ động, thư viện công cộng là nơi mọi người được tự do giao dịch, tìm kiếm, sáng tạo và chia sẻ thông tin. Nơi họ có thể xây dựng kỹ năng, sự tự tin và cuối cùng là tận dụng thông tin để cải thiện cuộc sống của họ.

Tất cả các lợi ích xã hội và kinh tế của thư viện công cộng - cho dù về mặt giáo dục, sức khỏe và hạnh phúc hay quyền công dân tích cực - đều quay trở về vấn đề chất lượng thông tin.

Có một ranh giới rất quan trọng - đó là một ranh giới mà chỉ duy nhất người làm thư viện mới có kỹ năng - ranh giới giữa thông tin và lời khuyên. Vai trò của thư viện là trao quyền cho mọi người tiếp cận và sử dụng thông tin có chất lượng để trả lời các câu hỏi của chính họ, chứ không phải cung cấp cho họ câu trả lời.

Khi chúng ta nhìn về tương lai, chúng ta biết rằng NHS sẽ chỉ có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nếu chúng ta thành công trong việc tạo ra một hệ dân cư có sự hiểu biết về sức khỏe hơn. Nền dân chủ sẽ chỉ được duy trì mạnh mẽ nếu chúng ta thành công trong việc tạo ra những công dân có kiến thức thông tin. Nền kinh tế sẽ chỉ phát triển nếu chúng ta thành công trong việc tạo ra một nhóm dân cư có thể sử dụng thông tin của ngày hôm nay để tạo ra những đổi mới của ngày mai.

Sách và việc đọc là mục đích trọng tâm của thư viện vì chúng thúc đẩy mọi hình thức đọc viết. Sự hiểu biết thúc đẩy quyền công dân, khả năng tự chăm sóc bản thân, sự đồng cảm, kỹ năng và trí tưởng tượng để thúc đẩy nền kinh tế trong tương lai. Tầm nhìn đầy tham vọng và táo bạo của chúng ta về tương lai của các thư viện phải thúc đẩy và làm chủ thực tế rằng con đường dẫn đến thành công trong tương lai của chúng ta với tư cách là một nền kinh tế có kỹ năng tiên tiến và một xã hội tự do toàn diện thông qua thư viện công cộng.

Mạng lưới các địa điểm tin cậy

Thư viện công cộng là mạng lưới kết nối học tập mạnh mẽ nhất bên ngoài trường học; là cơ sở hạ tầng đáng tin cậy nhất cho sức khỏe và hạnh phúc bên ngoài bệnh viện và phòng phẫu thuật của bác sĩ đa khoa, thực sự là mạng lưới duy nhất còn lại - có lẽ là ngoài các tổ chức tôn giáo - giúp tăng cường ý thức cộng đồng và trách nhiệm lẫn nhau của chúng ta.

Các chuỗi bán lẻ thiết tha trông đợi vào phân bổ của các thư viện công cộng và sự cộng hưởng của chúng ta với công chúng như những không gian đáng tin cậy. Tuy nhiên, sự phân mảnh của cộng đồng thư viện công cộng ngày nay cũng cho thấy là chúng ta có nguy cơ lãng phí sức mạnh và đòn bẩy duy nhất mà mạng lưới này phải cung cấp cho chúng ta.

Khi chúng ta phân chia mạng lưới các thư viện công cộng thành các nhánh địa phương, điều này làm cho việc chia nhỏ từng phần trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nó cũng làm cho việc quản lý mạng lưới trở nên khó khăn hơn nhiều. Với tư cách là người làm thư viện, chúng ta biết rằng sự phân bố của các tòa nhà thư viện công cộng hiện thời có ý nghĩa đối với một thời đại đã qua. Việc chủ động cấu hình lại mạng lưới theo định dạng Xa lộ của ngày hôm nay và các cộng đồng của ngày mai vẫn phải được thực hiện.

Vì vậy, việc chúng ta tuyên bố rõ ràng về trạng thái “bình thường mới” cho các thư viện công cộng là phải lấy lại niềm tin về sức mạnh của chúng ta với tư cách là một mạng lưới được phân bổ trên toàn quốc - một mặt có thể hoạt động tại địa phương và mặt khác chủ động hình thành và quản lý mạng lưới trên toàn quốc.

Mang tất cả đến với nhau

COVID-19 là một bi kịch. Giống như tất cả các bi kịch khác, đó cũng là một cơ hội mà các thư viện công cộng không thể bỏ lỡ. Trong khi sự chú ý của chúng ta hướng đến cơ chế khôi phục quyền truy cập cơ bản vào các dịch vụ, chúng ta cũng không thể bỏ qua câu hỏi trọng tâm và cơ bản nhất - tại sao chúng ta khôi phục chúng? Cho ai? Và các dịch vụ sẽ trở nên như thế nào? Chúng ta cần đảm bảo rằng trạng thái “bình thường mới” của chúng ta phát huy tốt nhất những điều bình thường trước đây nhưng cần phải thúc đẩy chúng ta phát triển như một lĩnh vực mang tính phổ biến mới, phù hợp với trái tim và tâm trí của những người mà chúng ta phục vụ.

Chúng ta cần một kế hoạch mới. Một kế hoạch cho phép khám phá lại sự đơn giản và gắn kết của thương hiệu cũng như sức mạnh của mạng lưới của chúng ta. Chúng ta cần một sứ mệnh tập trung vào công chúng, nhằm thống nhất và khơi dậy giống như cách “thông báo, giáo dục và giải trí” của BBC. Chúng ta cần nắm lấy sức mạnh, sự thống nhất và niềm tin từ vai trò trung tâm của thư viện là nơi cung cấp thông tin. Chúng ta phải truyền cảm hứng và lôi cuốn một lượng người sử dụng thư viện hoàn toàn mới bằng các dịch vụ kết nối nhuần nhuyễn giữa các trạng thái vật lý và kỹ thuật số, giúp họ học tập, sống khỏe mạnh và trở thành những người tham gia tích cực vào đời sống văn hóa và dân chủ của cộng đồng. Chúng ta phải tạo ra các địa điểm và không gian dễ tiếp cận, hấp dẫn và củng cố cảm giác được trao quyền cho người sử dụng thư viện. Và trên hết, chúng ta phải rõ ràng và kiên quyết xây dựng các dịch vụ của mình theo các giá trị của sự tử tế, nhân văn, chăm sóc cá nhân và tôn trọng người sử dụng.

Nhiệm vụ của mọi thế hệ là phải định hình lại các thư viện để đáp ứng các nhu cầu mới của xã hội tương lai. Trong một thời gian dài, chúng ta đã bị lệ thuộc bởi ý tưởng của thế hệ trước về việc thư viện công cộng để làm gì? COVID-19 là một thảm kịch trên quy mô toàn cầu nhưng nó cũng có thể chỉ là động lực mà chúng ta cần để chuyển đổi các thư viện công cộng. Đừng lãng phí nó.

Tác giả bài viết: Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Gửi phản hồi
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây